• Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

 Đại Hội DUYÊN-LÀNH

Đại Hội Vô Vi kỳ 18, Niagara fall – Canada 1999


Duyên-lành tái-ngộ hướng thanh-cao
Cùng chung học-hỏi rõ sắc màu
Chung Thiền thanh-tịnh duyên-tình thức
Đại-hội tâm-linh đủ sắc màu.


Sắc màu diễn-tả thanh-cao
Duyên-lành tái-ngộ đổi trao thỏa-tình
Nguyện tu cống-hiến chính mình
Dấn-thân hành pháp hành-trình quang-khai
Chung vui thanh-cảnh hướng hoài
Từ-bi rộng mở rõ oai Phật Trời
 Bình-tâm thức-giác sáng ngời
Trì-tâm hành pháp hợp-thời thăng-hoa
Anh em chung sống một nhà
Thanh-bình cộng-hưởng chan-hòa tình-thương
Tâm-linh phát-triển mở đường
Tình-thương đạo-đức gieo gương thế-trần
Chơn-tu đóng góp một phần
Quí-yêu muôn loại cao-tầng tự đi
Học xong bài học dự thi
Trí-tâm khai-triển an phi cõi
Trời Thăng-hoa tiến-hóa hợp-thời
Cùng chung xây-dựng sống đời tự-tu
Thức-tâm tự-thức giải mù
Trì-tâm hành pháp giải ngu giải khờ
Thức-hồn tránh cảnh bơ-vơ
Cùng chung học-hỏi cùng giờ tự-tu.

 


“Duyên-lành tái-ngộ hướng thanh-cao”:  Duyên-lành Trời đất hòa-hợp nguyên-khí tốt đẹp, cảnh-giới thanh-bình, chúng ta có cơ-hội tái-ngộ nơi đây hướng về sự thanh-cao của Trời Phật mà tiến.

“Cùng chung học-hỏi rõ sắc màu” :  Cùng chung dấn-thân học-hỏi để rõ sắc màu sẵn có trong ta xuất-hiện ra.

“Chung Thiền thanh-tịnh duyên-tình thức” :  Chung Thiền, mọi trình-độ khác nhau nhưng mà chung một đường lối phát-triển thì duyên-tình sẽ thức, thức là hiểu được chính mình.

“Đại-hộI tâm-linh đủ sắc màu”:  Đại-hội tâm-linh mọi trình-độ đều qui-hội về một nơi mà phát-triển đại-sự chung.

“Sắc màu diễn-tả thanh-cao”:  Sắc màu diễn-tả sự thanh-cao, không còn biên-giới nữa.

“Duyên-lành tái-ngộ đổi trao thỏa-tình”:  Duyên-lành huynh-đệ tỷ-muội tái-ngộ, đổi trao thỏa-tình. Ước mong được gặp, nay được gặp rồi !

“Nguyện tu cống hiến chính mình - Dấn-thân hành pháp hành-trình quang-khai”:   Chúng ta nguyện tu thì phải dấn-thân hành pháp thì hành-trình mới mở rộng đường, khai-triển từ-bi.

“Chung vui thanh-cảnh hướng hoài”:  Chung vui hướng-tâm về sự thanh-nhẹ, lúc nào chúng ta cũng tiến tới.

“Từ-bi rộng mở rõ oai Phật Trời”:  Chúng ta phát-triển được tâm từ-bi chúng ta mới thấy siêu-thanh-tịnh-quốc ở nơi nào, hướng hoài về đó.

 “Từ-bi mở rộng rõ oai Phật Trời”: Tâm từ bi chúng ta mở rộng sáng choang chúng ta mới thấy giá trị vô-cùng của Trời Phật.

“Bình-tâm thức-giác sáng ngời”:  Lúc đó tôi đạt tới quân-bình thì thức-giác, tâm-thức lúc nào cũng sáng ngời.

“Trì-tâm hành pháp hợp-thờI thăng-hoa”:  Cương-quyết thanh-tịnh hành pháp khứ-trược lưu-thanh như thế đó thì chúng ta sẽ tiến tới đúng lúc.

“Anh em chung sống một nhà”:  Anh em chúng ta ngày hôm nay được chung sống chung một nhà dưới vàm trời của càn khôn vũ trụ.

“Thanh-bình cộng-hưởng chan-hòa tình-thương”:  Thanh-bình chúng ta cộng-hưởng chan-hòa tình-thương của Trời Đất đã nâng-niu chúng ta từ giây phút khắc.

“Tâm-linh phát-triển mở đường”:  Tâm-linh phát-triển là mở đường tiến-hóa của phần Hồn.

“Tình-thương đạo-đức gieo gương thế-trần”:  Tình-thương đạo-đức thì mới ảnh-hưởng được người thế gian. Chỉ có một đạo : đạo tình thương và đạo đức như Trời đất, đấng toàn năng đã tạo ra mọi sự thanh nhẹ để độ tha tại trần.

“Chơn-tu đóng góp một phần”:  Chơn-tu thì chúng ta đóng góp được một phần.

“Quí-yêu muôn loại cao-tầng tự đi”:  Chúng ta có tha-thứ và thương-yêu thì chúng ta mới đi cao lên được.

“Học xong bài học dự thi - Trí tâm khai-triển an phi cõi Trời”:  Chúng ta học song bài học rồi chúng ta dự thi thì trí tâm khai-triển an phi cõi Trời. Lúc đó phần Hồn nhẹ-nhàng, ra vô dễ-dãi.

“Thăng-hoa tiến-hóa hợp-thời”:  Chúng ta lên cao thì mới tiến tới vô-cùng, lúc nào cũng hợp-thời.

“Cùng chung xây-dựng sống đời tự-tu”:  Cùng chung một đường lối để xây-dựng thì chúng ta mới thấy rõ sống đời chỉ có tự-tu mới là tiến. Người ta tu dùm cho chúng ta chúng ta không có tiến, chúng ta phải tự-tu mới được tiến.

“Thức-tâm tự-thức giải mù”:  Chúng ta thức-tâm, tự-thức mớI giải sự mê-mù trong nội-tâm. 

“Trì-tâm hành pháp giải ngu giải khờ”:   Cương-quyết trì-tâm hành pháp để giải ngu giải khờ trong nội-thức của chúng ta.

“Thức-hồn tránh cảnh bơ-vơ”:  Chúng ta biết được phần Hồn là tránh cảnh bơ-vơ.

“Cùng chung học-hỏi cùng giờ tự-tu”:  Cùng chung học-hỏi, dấn-thân, bằng-lòng ngồi lại với nhau học-hỏi cùng giờ, đúng lúc Thiên-Địa thông-khai chúng ta mới tự-tu.

 

Tu phải hiểu nguyên-lý của Trời Đất ; hành đúng, khai-mở mới dẫn tiến tới vô-cùng. Nếu tu mà không khai-mở được thì cứ lục-đục trong nội-tâm không có phát-triển được. Sân-si gia-tăng, ác-hiểm gia-tăng, thì không phải người tu !  Phải xóa bỏ tất-cả những sự hận-thù trong nội-tâm, mớI thật-tâm xây-dựng cho chính mình. Nếu mà chúng ta người tu còn ghen-ghét người khác, là không xây-dựng cho chính mình và tự-đọa chúng mình mà thôi!  Cho nên chúng ta có duyên-lành ngộ được pháp-lành, thực-hành đứng-đắn, khứ-trược lưu-thanh thì phần nào tiến-hóa theo phần nấy, không có nhồi-cục và sân-si động-loạn nữa. Thành-tâm tu-sửa chỉ có tiến không có lùi.

Ngày hôm nay các bạn đã thấy rõ, chúng ta nhờ sự dày-công đêm đêm tu thì Đấng Toàn-Năng mới chiếu-cố cho chúng ta có một Đại-Hội tốt đẹp, cùng chung xây-dựng trong cảnh thiên-nhiên, nhịp-nhàng, sáng-sủa, tiến-hóa tốt tươi. Phần Hồn chúng ta cảm thấy sáng-lạng, không có bị bơ-vơ tăm-tối như xưa nữa. Lúc nào chúng ta cũng dũng-mãnh tận-hưởng sự thanh-nhẹ của Đấng Toàn-Năng đã ân ban.  Chúng ta có cái nhìn khác, có cái nghe khác, có giọng nói thanh-nhẹ khác. Cơ-thể chúng ta lúc nào cũng nhẹ-nhàng ; vì sao ? - Vì trật-tự bên trong đã tái-hồi. Lúc sơ-sanh chúng ta là nhẹ-nhàng, không có lo bất-cứ một chuyện gì. Bây giờ lớn rồi chúng ta lo đông lo tây, lo đủ thứ, vì chúng ta đã thu-hút trược-khí quá nhiều không có cơ-hội giải. Thì ngày hôm nay chúng ta lại có cơ-hội giải : hít thở bằng bụng là giải trược-khí để khối óc được an-nhiên tự-tại hơn.

Nếu chúng ta người tu mà khối óc chúng ta không có an-nhiên tự-tại thì cảm thấy nặng-nề và bơ-vơ. Cho nên Vô-Vi có cái phương-pháp niệm Phật để giải trược-khí và mở đại-trí cho chính mình, thì mới cảm-thức điều lành càng ngày càng rõ-rệt hơn. Khi mà hiểu được điều lành thì mớI dấn-thân tu học, bằng-lòng dấn-thân tu-học chỉ có tiến không có lùi. Đêm đêm lo tu mà rốt-cuộc chúng ta ngồi Tu Thiền khổ-cực vậy để đạt được cái gì ?  - Đạt một chút-xíu thanh-nhẹ mà thôi. Mỗi ngày cứ làm như vậy, thì tương-lai chúng ta sẽ toàn-bộ thanh-nhẹ. Ngồi đây mà xác chúng ta  không có, óc chúng ta không có, chỉ thấy ánh sáng vô-cùng của Trời Đất rất siêu-diệu thì chúng ta sẽ không còn bơ-vơ nữa. Tu đúng đường thì chỉ có khai, không có nghẹt. Tu trật đường thì chỉ có chấp-mê và ứ-đọng không có tiến-hóa nổi. Chính bản-thân không tiến-hóa rồi chê đạo này tà, đạo kia tà; rốt cuộc, khổ mình lãnh thôi. Không biết chê mình, sửa mình, làm sao tiến ? Phải chê mình, phê-bình mình, sửa-tiến mới có giá-trị. Chê thiên-hạ thì giúp ích cho thiên-hạ sửa tiến thôi ; chứ mình đâu có sửa, tức là mình lạc-hậu không có tiến-hóa trong Cơ Đạo được.

Nhiều người tu, nói tu cao này kia kia nọ; rốt cuộc, cũng chạy vào khối chánh-trị, đè người này, đè người kia, đề người nọ, làm tiền đủ kiểu hết, lập thế tại thế-gian, nhưng mà không thoát ! Thoát là tiến tới vô-cùng, buông-bỏ tất-cả mới có nơi dừng chân ở đất lành tại Thiên-Quốc. Ôm chấp là chỉ có kẹt mà thôi. Tu là phải hành, tu mà không hành không bao giờ tiến. Nguyên-khí của TrờI Đất đã hổ-trợ cho chúng ta, sát một bên chúng ta, xây-dựng cho chúng ta không ngừng-nghỉ mà tới ngày hôm nay tâm-thức của chúng ta không nhẹ, còn giận người này ghét người kia là tâm-thức của chúng ta bị bít-bùng không có phát-triển được.

Chúng ta mỗi năm có cơ hội sống chung trong Đại-hội để hiểu nguyên-lý của Trời Đất mà nhìn lại hình-ảnh của chúng ta là bức tranh trời mà đã làm được cho nó thanh-nhẹ chưa. Cho nên chúng ta bắt-buộc phải có một cái pháp khứ-trược lưu-thanh thì mới tỏa sáng ; tỏa sáng thì đó là bức tranh trời. Bức tranh trời có trật-tự mới ảnh-hưởng được người kế-tiếp cùng tu cùng tiến. Mà tu không dùng nguyên-khí của Trời Đất, dùng lý-luận để bao-che tội ác của chính mình là không có phát-triển được. Phải thực-hành, đụng chạm nguyên-khí của Trời Đất nó mới mở trí khai tâm tiến-hóa đi lên được. Không đụng chạm nguyên-khí của Trời Đất làm sao khai mở được nội-tâm và nội-tạng của chính mình ?  Ôm lý phàm, ôm lời thành-công của chư Phật. Chư Phật đã khổ mới có một lời tốt, mà ngày nay chúng ta lại chê khổ làm sao chúng ta có lời tốt ?  Chúng ta phải khổ-hạnh, phải tu nhiều, phải hành nhiều thì chơn-tâm nó mới thức-giác. Càng thức-giác là chúng ta mới thấy rõ lượng từ-bi là quan-trọng, học từ-bi và phát-triển từ-bi là mới tiến tới vô-cùng. Nếu chúng ta không chịu học từ-bi và không phát-triển từ-bi thì không bao giờ có cơ-hội tiến tới vô-cùng. Thanh-tịnh sẽ làm việc cho tất-cả ; nếu chúng ta không thanh-tịnh thì chúng ta chỉ làm việc có một góc thôi. Dù hô-hào cho cách mấy cũng là một góc thôi không có tiến được tới vô-cùng, tức là  không có chân đứng ở tương-lai. Phải thanh-tịnh thì nó mới sáng-suốt. Muốn có thanh-tịnh phải nhịn-nhục hành pháp nhiều. Trong lúc hành pháp thì phải có sự kích-động và phản-động ; không khác gì người leo núi : leo tới đỉnh núi rồi là hoàn-toàn thảnh-thơI, thơ-thới, nhẹ-nhàng.

Cho nên, ở đời có nói khổ-hạnh thành Bồ-Tát là vậy. Phải khổ-hạnh, phải dấn-thân thực-hành tiến tới mới giải-tỏa được. Nếu mà không có dấn-thân thực-hành là chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ và không tiến-hóa nổi.

Phần Hồn là chủ của thể-xác, không phải thể-xác là chủ của phần Hồn. Chúng ta không có nên nương-tựa bên ngoài quá nhiều mà phải sử-dụng khả-năng sẳn có của chính mình để tiến-hóa tới vô-cùng là điều cần-thiết trong giây phút Thiên-cơ biến chuyển này. Chúng ta dứt-khoát chúng ta mới bỏ xứ động-loạn trở về xứ thanh-tịnh được. Nếu không chịu hành thì tạo khổ trong lý-luận mà thôi. Chưa đạt mà xưng danh Phật, xưng danh Tiên, xưng danh này xưng danh nọ là tự-hại mình mà thôi, tự rước nghiệp vào thân. - đời ai cũng thích Phật thích Tiên, thích Thần thích Thánh. Xưng Thần xưng Thánh họ cũng lợi-dụng, mà xưng Phật họ cũng lợi-dụng, xưng Thượng-Đế càng bị lợi-dụng nữa ; tức là rước nghiệp vào tâm không tiến-hóa nổi. Chúng ta là người tu Vô-Vi, việc lớn làm thành nhỏ, việc nhỏ làm thành không ; chúng ta mới cảm thấy sự thanh-nhẹ là cao-quí, sự thanh-nhẹ là vô-cùng, sự thanh-nhẹ là sự quân-bình qua sự nhịn-nhục của mọi hành-giả tại mặt đất, tương-lai phần Hồn mới được tốt và thanh-nhẹ. Nếu ngược lại thì ngồi cho một đống : một ngày ngồi mười tiếng hai chục tiếng đồng-hồ cũng là không có bao giờ tiến nổi, bực nhọc thêm, không có tiến-hóa. Tu đúng pháp khứ-trược lưu-thanh thì càng ngày nó chỉ càng nhẹ và không còn sự ô-trược xâm-chiếm trong nội-tâm chúng ta nữa.

Tại sao làm người chúng ta phải tu ?  - Vì đụng chạm quá nhiều, không thể gỡ được sự rối-răm trong nội-tâm. Cho nên chúng ta tu, buông-thả mới kêu là tu. Buông-thả là nó phải nhẹ-nhàng, buông-thả nó mới bay-bỗng được. Còn nếu không buông-thả thì nó cứ trì-kéo mãi, cái đó kêu bằng nghiệp lực !  Giải-tỏa được nghiệp-lực là phước-duyên tái-hồi. Còn nghiệp-lực còn hoài thì phước-duyên của Trời Phật không bao giờ tái-hồi vào chơn-tâm của chúng ta được. Khổ càng khổ thêm !

Cho nên tôi ta đã thường nói : Khổ, khổ, khổ mớI bước vào biên-giới của Phật-Pháp. Còn mưu-mô khôn-lanh cho cách mấy cũng không bằng giá-trị của sự thanh-tịnh. Sự thanh-tịnh mới giải-quyết được tất-cả mọi sự trên mặt đất nầy, thiếu thanh-tịnh thì không giải-quyết được. Làm người là phải tham ; tham là đòi-hỏi.  Tham thì nó mới tạo sự kích-động và phản-động ; mà sửa nó mới tiến. Còn ôm sự kích-động và phản-động, la-làng và cầu cứu, cúng kiến là đâu nó cũng vào đấy chứ nó không phát-triển được, không mở được !  Có cúng cho cách mấy đi nữa nó cũng vậy đó thôi. Sửa-mình mớI là chánh ; không sửa là không bao giờ đạt pháp, không bao giờ tiến thân. Người đời không cần tu gì hết, thấy sự sai của mình, sửa nay chút mai chút thì cũng có kết-quả tốt. Chịu sửa thì tâm-thức nó sẽ dồi-dào và tốt tươi. Nếu không sửa và không nhìn-nhận sự sai-lầm của chính mìnb thì càng ngày nó sẽ càng gia-tăng tạo khổ không lối thoát. Tại sao không có lối thoát ?  Nó tạo ra sự mưu-mô, mưu-mô đủ thứ mà không thành-tựu.

Chúng ta chứng-minh rõ-ràng, mọi người đều tu ngày nay mới có Đại-hội chung sống hòa-bình. Nhìn nhau vui, tay bắt mặt mừng, anh em không có tái-ngộ từ bao nhiêu năm, bây giờ tái-ngộ vui biết là bao nhiêu. Nếu mọi người bắt-đầu làm người biết như vậy và giữ như vậy mãi mãi, thì quả địa-cầu sẽ có nghìn năm thái-bình. Không biết giá-trị của sự thanh-nhẹ, cứ chạy theo tình-duyên thương-yêu ; rồi sau cái thương-yêu đó nó tạo gì ?  - Tạo sự mê-chấp thù-hận không có tiến-hóa nổi !  Phần Hồn bị giam-hãm, còn bị trói-buộc bởi ngoại-cảnh ; làm sao tiến-hóa được ?  Phải dứt-khoát buông-bỏ tất-cả những sự tranh-chấp của nội-tâm, thực-hành hướng về nhịn-nhục thanh-tịnh mà thăng-hoa tốt đẹp, từ-bi. Nhờ nhịn-nhục mới có từ-bi ; nếu chúng ta không nhịn-nhục làm sao phát-triển được tâm từ-bi ?

Cuốn Kinh Vô-Tự nằm sẳn trong mọi hành-giả tại mặt đất, mà không chịu khai-thác nó ra ! Đấng Toàn-Năng đã cho một cái nhìn, thấy, nghe, hiểu, nói rõ-rệt, là do sự thanh-nhẹ cấu-thành của Đấng Toàn-Năng đã ban-bố. Mà ngày nay chúng ta không có một chút thanh-nhẹ, còn tranh-chấp và đổ-lỗi người này, người kia, người nọ ; rốt cuộc, mình tạo khổ cho chính mình, không có tiến thân.

Thế-gian này có nhiều chế-độ; chế-độ hận-thù, rốt cuộc làm được việc gì ?  Chế-độ tự-do thì có được một phần nào phát-triển về vật-chất, tâm-linh thì còn chấp-nhận nhiều sự kích-động và phản-động mới thăng-hoa đi lên được. Từ dưới đáy giếng lên miệng giếng, biết bao nhiêu công-lao mới đi đến được. Từ dưới chân núi đi lên tới đỉnh núi, biết bao nhiêu sức-lực mới tiến-hóa tới cõi thảnh-thơi. Mà chúng ta không chịu gia-công, không trì-chí thực-hành để đi đến, là vừa trồi lên là sụt xuống, vừa trồi lên là sụt xuống. Vậy chúng ta làm người để làm gì không giúp mình, không khai-thác lấy chính mình, không hưởng bức tranh trời sống-động trong ta và xây-dựng hình-thành hội-tụ ngay khối óc của chúng ta, thì oan-uổng cho một kiếp làm người, có xác có tâm mà không phát-triển. Có xác có tâm biết phát-triển là một người thật-tâm tu, lúc nào cũng sáng-suốt và ổn-định. Do một kỳ-công tu-học mới đạt-thành, chứ không phải dụng lý-thuyết mà đạt-thành được.

Nhiều người nói lý-do này, lý-do kia để chạy tội, chứ sự-thật không có phát-triển, nói hay làm không được là người chạy tội mà thôi, tội vẫn còn, không có phát-triển. Chúng ta tu phải trong thực-hành, dấn-thân rõ-rệt. Nói được làm được ; thực-hành rồi mới nói, chứ không phải nói mà không thực-hành. Càng tu càng thâu-gọn và sáng-suốt mới là người tu. Càng tu càng bành-trướng, nợ-nần càng nhiều là nghiệp-lực càng nhiều, thì làm sao tiến-hóa nổi ?  - Dứt-khoát đi lên thì mới tiến-hóa nổi. Thế-gian đô-thị giả đã cho chúng ta thấy, luật nhân-quả đã cho chúng ta thấy rõ : nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu. Cuộc đời ai cũng thấy rõ điều này. Nhưng mà cứ theo cái đà cũ ; chết rồi mới cúng, còn sống thì không có giúp. Còn sống thì không có bằng-lòng xây-dựng cho chính mình, không chịu tu, để chết nhờ thiên-hạ cúng ; chuyện đó là làm càng ngày càng suy-nhược không có tiến-hóa nổi. Tu-sửa để tiến-hóa còn hơn người ta thờ-phượng, tu-sửa để tiến-hóa là điều chánh.

Trời đã cho chúng ta có một thể xác, chằng-chịt - khối óc thần-kinh chằng-chịt - không khác gì bức tranh trời. Nếu thanh-tịnh là thấy hết, cảnh đẹp vô-cùng, không có biên-giới. Chúng-sanh chia-rẻ, ngăn-cách rồi tạo ra tướng-số này kia kia nọ, càng ngăn-cách. Thức hòa-đồng không mở được. Nếu ông Phật mà tin nơi tướng, ổng có dại gì mà đi vô trong rừng ngồi đó tu. Ông là một thái-tử, tướng-số ông là vinh-quang tại sao phải bỏ đi tu ?  Bất-chấp tướng-số, ngài mới dấn-thân vô thực-hành để tiến-hóa.  Cái gì tiến-hóa ?  - Phần hồn tiến-hóa. Hào-quang khai-mở là phần Hồn tiến-hóa. Thực hành đứng-đắn, nhận nguyên-khí của Trời Đất là căn-bản của sự sống, nhiên-hậu mới đạt-thức.  Sáng-lạng từ cơ-tạng cho đến khối óc, con người mới sống thảnh-thơi vui hòa được. Tâm thân bất-ổn làm sao vui hòa ?  - Tâm thân ổn-định thì mới vui hòa được. Tâm thân bất-ổn lo-âu đủ chuyện nhưng mà ồn-ồn ào-ào rồi đâu cũng sẽ vào đấy; có gì đâu mà phải lo !  Thế-gian đô-thị giả, vạn-sự trên đời là không ; chuyện gì mà phải so-sánh chuyện bên ngoài mà và tạo động cho chính mình để làm gì !

Đã biết duyên-lành thì duyên-lành sẽ đến với chúng ta; nếu chúng ta thực-thi đứng đắn thì duyên lành sẽ đến, mà chúng ta thực-thi nửa nạt nửa mỡ thì không bao giờ có duyên-lành đến, tạo khổ cho tâm thân mà thôi!  Nhiều người tu được một chút cũng muốn làm thầy, bầy chuyện này, bầy chuyện kia, bầy chuyện nọ, rốt cuộc hậu-quả là bệnh nan-y của mình cứu không được làm sao mà xưng hô đi cứu người. - đời này có, có những chuyện đó, rất nhiều chuyện đó. Không có kết-quả mà cũng đâm đầu đi làm, cũng như Địa-ngục không có cửa mà ai cũng chun xuống Địa-ngục. Tranh-giành là xuống Địa-ngục nhưng mà họ vẫn tranh-giành để xuống Địa-ngục ; và buông-bỏ để lên Thiên-đàng mà chẳng ai chịu buông bỏ để lên Thiên-đàng.

Vì vậy khổ, khổ, khổ: ba lần khổ mới thức-tâm mới chịu buông-bỏ để đi lên. Chớ cảnh thu-hút của hồng-trần cũng vĩ-đại lắm. Hồng-trần nó sẽ đem cho chúng ta nơi khổ, khổ hoài, tranh-chấp hoài, mà sung-sướng trong sự tranh-chấp để mà hưởng cái khổ mà thôi !  Bao nhiêu chế-độ xuất-hiện trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã thấy : có bậc lãnh-đạo nào sung-sướng sau khi chết đâu, chỉ có khổ thôi, không có sướng đâu, vì chính ngài chưa thoát làm sao mà giúp dân được ?  Ngài chưa thoát, phần Hồn chưa thoát là chỉ tạo khổ cho dân mà thôi, vì tham sống sợ chết, muốn còn, sợ mất. Có bao nhiêu công-chuyện đó mà làm hoài từ kiếp nầy tới kiếp nọ, vì muốn còn sợ mất.  Đó là lòng tham ; chưa dứt-khoát, rất khó tiến.  Từ-chối duyên-lành của Trời Đất là tạo tội cho chính mình.

 Ngày hôm nay chúng ta được hội-tụ nơi đây, huynh-đệ tỉ-muội chúng ta vui biết là bao nhiêu, sung-sướng biết bao nhiêu !  Một ngày cũng như một năm, sống vui ; giờ Thiền chúng ta êm-ả sung-sướng.  Nhìn cảnh thiên-nhiên tốt đẹp Trời Đất đã cấu-thành, có luật-lệ, sanh trụ hoại diệt hồi-sinh rõ-rệt, dòng nước nó đang chảy và đang sáng-tạo nhiều điện-năng cho mặt đất cộng-hưởng. Ngày hôm nay chúng ta lại có duyên-lành để nhìn tận mắt để thấy rõ kỳ-quan tốt đẹp, tuông chảy không ngừng-nghỉ, phát sáng trong tâm-thức của mọi người. Sự dũng-mảnh vô-cùng Trời Đất đã sắp-đặt tại mặt đất ; nếu hướng về Thiên-Quốc, thì phải liên-tục hơn và thanh-tịnh hơn, sáng-suốt hơn, quân-bình hơn mới đạt tới. Chúng ta đã có duyên-lành ngộ được một pháp lành, khứ-trược lưu-thanh, hướng thanh mà tiến-hóa. Càng tiến-hóa càng thanh-tịnh !  Chúng ta có trì-tâm niệm Phật thì chấn-động đó nó khai-triển đại-trí của mọi tâm-linh.  Tất-cả huynh-đệ tỉ-muội chúng ta là khởi-đầu từ niệm Phật : niệm, thường-niệm tới vô-biệt-niệm thì tâm-thức nó mới được an và vui-vẻ.  Bằng-lòng hướng về thanh-tịnh mà tu, lúc nào cũng cảm-thức sự an vui là giá-trị.

Chúng ta tu phải trờ về tự-nhiên và hồn-nhiên mới người tu.  Nếu mà chúng ta gián-đoạn tự-nhiên và hồn-nhiên không bao giờ biết được nguyên-lý của sự tu-hành. Nguyên-khí của TrờI Đất là tự-nhiên và hồn-nhiên mà chúng ta hít thờ.  Dùng nguyên-khí của Trời Đất để xây-dựng tâm-linh sẵn có của chúng ta là đúng đường tiến-hóa không bao giờ trì-trệ.  Đêm đêm lựa giờ Tí Trời Đất thông-khai chúng ta thực-hành tức là chúng ta đi theo chiều cởi-mở của Trời Đất thì xác của chúng ta hợp-tác bởi Trời Đất mà thành thì chúng ta phải mượn cái trớn thông-khai của Trời Đất mà khai-mở tâm-thức của chính mình mớI là đúng đường tu-tiến trở về Thiên-Quốc là vậy.  Mà đi nghịch lại là chỉ có tạo bệnh - thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong - thì phần hồn sẽ tan-rã và không có cứu được.

Tu là phải hội-tụ. Tu mà không hội-tụ được phần Hồn, tâm linh, lục-căn lục-trần, thì không phải là người chơn-tu. Người chơn-tu phải hội-tụ được tất-cả những điều-kiện đó mới làm chủ một Tiểu-Thiên-Địa được. Đất nước chúng ta giàu mạnh, sống trong tự-nhiên và hồn-nhiên chớ không cần phải nhờ-đỡ bất-cứ ai nữa. Tự-nhiên và hồn-nhiên là đầy-đủ rồi. Lúc sơ-sanh chào đời cho tới lúc chết vẫn an-nhiên tự-tại trong thanh-tịnh mà tiến-hóa, vui hành chất-phát, phải thẳng-thắn tất-cả mọi việc, không có vị-nể một ai và không có chèn-ép bất-cứ ai. Những người lưu-manh tạo tội cho chính họ, họ phải chịu vì họ tự-gạt họ, họ phải chịu, mà tự-cứu họ, họ sẽ vui. Thực-hành tự-cứu là sẽ vui, mà thực-hành tự-gạt mình là sẽ buồn và không có chỗ dừng chân ở tương-lai. Phần Hồn sẽ bị hành-hạ tối-đa mới có cơ-hộI thức-tâm.

Sắc đẹp Trời ban, nhiều ngườI dụng sắc đẹp chèn-ép chồng con, cái đó là cũng sai rồi, chính mình chưa biết cái đẹp của Trời Đất ; Trời Phật đẹp bằng cách nào mình chưa hiểu mà cho ta là đẹp là sai rồi !  Bề ngoài tạm mà thôi ; rốt-cuộc, chỉ có khổ : phần hồn chỉ có khổ và đau đớn, không có tiến hóa nổi.

Cho nên Thiên-cơ đã cho chúng ta thấy, nay động-đất, mai bão-bùng, cháy rừng nguy-hiểm, nếu hướng-hạ thì chỉ lo-âu không cũng đủ chết rồi, hướng-thượng thì chúng ta có đường lối để đi lên thì không có còn khổ nữa, thấy cái luật tự-nhiên đang giáo-huấn con ngườI tiến-hóa mà tu tâm. Tu tâm sửa tánh thì mớI hưởng được nguyên-lý của Trời Đất, mới vượt khỏi Thiên-cơ động-loạn. Người tu Vô-Vi đêm đêm ngày ngày chỉ hít nguyên-khí của Trời Đất để mà sống, tiến-hóa tới vô-cùng, không bở-ngỡ vớI những cảnh kích-động và phản-động của tình Trời đang giáo-huấn. Chúng ta chấp-nhận để tiến-hóa thì không có buồn-tẻ nữa. Chỉ có vui hành để tiến mà thôi, bất-cứ nơi nào cũng Đấng Toàn-Năng âu-yếm và ban-bố sự thanh-cao cho chúng ta cộng-hưởng thì chúng ta không nên buồn và không nên chậm-trễ, phải dứt-khoát đi lên, tiến tới vô-cùng là chánh-pháp. Nhờ-đỡ sự giúp-đỡ của chư Tiên cũng là sai, chư Tiên thì hằng cứu-giúp, giúp-đỡ ở mặt đất nầy. Quá khổ thì chư Tiên phải hạ-phàm để giúp chúng-sanh, nhưng mà chúng-sanh phải tự-thức mới tiến-hóa tới sự thanh-cao sẵn có, mới trở về ngôi-vị của chính mình được. Nếu mà không chịu thực-hành tự-thức thì làm sao trở về ngôi-vị tự-nhiên và hồn-nhiên của chính mình được. Khi mà đạt tới tự-nhiên và hồn-nhiên thì đâu có bị Thiên-cơ kích-động và phản-động được, vui hòa với các giới để thăng-hoa tiến-hóa là chúng ta đi trước mọi hành-động của Trời Đất đã và đang xây-dựng, lúc nào cũng nhàn-hạ và chấp-nhận sự thăng-hoa tốt đẹp đó.

Thiên-cơ là giáo-huấn con người tiến-hóa chứ không phải giết con người. Có Thiên-cơ mách-bảo trước đó mà chúng ta không chịu hành là không có ngừa trước, không chịu sửa mình, không tiến-hóa vớI nguyên-khí của Trời Đất làm sao sửa mình thanh-nhẹ được mà tiến tới vô-cùng ?  Cần sự hòa-hợp với thanh-khí-điển của Trời Đất thì chúng ta mới thấy sự an vui tràn ngập trong tâm-thức của chúng ta, dũng-mãnh tu-tiến và không bị bỡ-ngỡ nữa. Có sanh tức có diệt. Có diệt sẽ có hồi-sinh, luân-hồi mãi mãi trên mặt đất. Mà chúng ta đã có đường lối đi về Thiên-Quốc ; ngày đêm tự-sửa, dứt-khoát như vậy thì chắc-chắn chúng ta sẽ có nơi hội-ngộ tốt đẹp ở tương-lai.

Cho nên người tu ở trên rừng trên núi, đâu có ti-vi, radio, đâu có chuyện gì coi đâu mà bực-bội, thì hướng về thanh-nhẹ tu mà họ đạt được kết-quả tốt. Chúng ta đầy-đủ và hướng-tâm về sự động-loạn nhiều hơn sự thanh-tịnh cho nên khổ nhiều hơn người tu ở núi, xa-vắng khoa-học phát-triển hiện-tại. Sự cấu-trúc hình-thành thể-xác của chúng ta, thế-gian là từ thanh-tịnh cấu-thành, cuối-cùng của nó là thanh-tịnh mớI hội-tụ được một thể-xác của con người. Cho nên con người nhắc tới sự thanh-tịnh ai cũng thích, nhắc tới sự thanh-cao ai cũng muốn, vì nó có sẵn rồi, bây giờ chúng ta mượn Pháp-Lý Vô-Vi Khoa-Học Huyền-Bí Phật-Pháp này là đầy-đủ hết, khai-thác nó ra, xây-dựng nó trở lại, trở về với tự-nhiên và hồn-nhiên mới thật-sự đúng đường tiến-hóa của tâm-linh.

Bất cứ ở góc trời nào các bạn có Trời có Đất có Đạo là có sung-sướng rồi. Có Trời có Đất có Đạo là đầy-đủ. Khối óc các bạn có thể sáng-tạo ra lửa, sáng tạo ra mọi sự ; mà không có trật-tự làm sao sáng-tạo được, để phục-vụ cho cuộc sống. Khai-thác lấy chính mình trở về thanh-tịnh phải buông-bỏ tất-cả những sự si-mê động-loạn, dẹp-bỏ cái bản-ngã của chính mình, chúng ta mớI tiến-hóa được. Nếu mà chúng ta còn tự-cao thì không có tiến, tự-cao là đè-thấp phần Hồn làm sao tiến-hóa được !  Phần Hồn kẹt trong thể-xác, rồi tánh-ý bất-đồng tạo thêm cái còng làm sao tiến-hóa nổi. Phải buông-bỏ, khai-mở, học từ-bi và thực-hiện từ-bi thì mới tiến-hóa được. Tu mà không trở về với tự-nhiên và hồn-nhiên là uổng cho một kiếp người, mê-chấp, chết một cách tức-tưởi. Cho nên người nào chết xuống địa-ngục thấy cũng khóc hết vì buồn, biết được mà không làm, biết được mà không hành sự, tự ràng-buộc lấy mình quá nhiều, đau-khổ bực-bội, tức-tối, không tiến-hóa nổi.

Hôm nay là ngày vui của chúng ta, huynh-đệ tỷ-muội chung Thiền, xây-dựng tâm-linh sẳn có để cống-hiến cho muôn loài vạn-vật ở tương-lai. Chúng ta đồng đi chung một đường để đem sự sáng-suốt của Trời Đất và truyền-bá cho mọi người tự minh-cảm lấy chính họ và thực-hành đứng-đắn phương-pháp khứ-trược lưu-thanh tự giải nghiệp-tâm mà tiến-hóa. Thành-thật cám-ơn sự hiện-diện của các bạn hôm nay.


Lương Vĩ Kiên.